Trích nhận xét Thạch Hào lại

GS. Nguyễn Khắc Phi phân tích:

Thông qua việc miêu tả và tường thuật một cuộc bắt lính, bắt phu ban đêm ở thôn Thạch Hào, bài thơ đã phần trần chính sách tàn bạo của triều đình, phản ảnh sâu sắc nổi khổ của dân chúng và phần nào nói lên lòng yêu nước của nhân dân cũng như của chính tác giả. Tư tưởng, tình cảm của nhà thơ cơ bản là tiến bộ song vẫn bao trùm mâu thuẫn: Đối với cuộc chiến chống An Lộc Sơn, với tư cách một "tôi trung" và nạn nhân của chiến cuộc, ông không thể không đồng tình; song đối với những cách bắt người sai trái...ông không thể không phản đối.Và ở đây Đỗ Phủ đã "ngụ bao biếm ư tự sự" (gửi sự khen chê vào trong chỗ kể sự việc), nên ông hầu như không phát biểu ý kiến và bộc lộ cảm xúc trước sự việc. Song ngẫm kĩ sẽ thấy yếu tố trữ tình xen lẫn kín đáo, tác giả đang cố "nuốt tiếng khóc" qua từng chữ. Vì càng cố kìm hãm mình xuống, tiếng quát tháo của viên lại càng vang lên dữ dội hơn, tiếng khóc âm ỉ của những người bất hạnh càng não nùng hơn và do đó gợi được sự đồng tình, lòng trắc ẩn và niềm căm phẫn nhiều hơn ở độc giả.[3]

Nhà văn Lâm Ngữ Đường (1895-1976), người Trung Quốc cũng đã viết:

Bài thơ Thạch Hào lại tả cảnh thảm khốc của chiến tranh và nó còn điển hình cho nghệ thuật giản dị mà gợi được không khí u uất trong thơ Trung Hoa. Thi sĩ chỉ vẽ phác một cảnh, diễn một nỗi lòng thương cảm rồi để cho độc giả tưởng tượng. [4]

Và Văn học Trung Quốc tập I có lời bình:

  • Chỉ một từ "tróc" (bắt) ở câu 2, Đỗ Phủ đã lột trần được bộ mặt trái của nhà Đường lúc bấy giờ. " Bắt" chứ không "tuyển", cũng không phải "mộ", và lại bắt " ban đêm" để người dân trở tay không kịp. Việc làm ấy diễn ra thường xuyên tới mức đã tạo ra " phản xạ" của ông lão (hốt hoảng, vượt tường trốn nhanh) trái với tư thái ung dung của bà lão. Vì bà nghĩ rằng mình là "đàn bà", lại đã "già", tất không thể bị bắt. Đây chính là một nét bút tuyệt diệu có tác dụng nâng cao hẳn giá trị tố cáo và ý nghĩa hiện thực của tác phẩm.
  • Bốn câu cuối của Thạch Hào lại, đọc lên nghe như lạnh lùng nhưng ngẫm kĩ sẽ thấy tác giả đã cố nén những tiếng khóc nghẹn ngào. Có người đã cố tìm công xác định tiếng khóc này của ai. Tác giả nói "như văn" (dường nghe, như nghe) chứ có phải "nghe" thật đâu. Cũng không phải là không rõ khoảng cách như trong câu thơ dịch của Ngô Tất Tố (vẳng nghe nức nở như gần như xa). "Nghe" là tự sự, " như nghe" là lồng rất khéo yếu tố trữ tình vào. Đấy là tiếng khóc "phiếm chỉ", có thể nói là ảo giác...Qua đó có thể nói, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố: trữ tình và tự sự là một đặc điểm lớn của thơ Đỗ Phủ.[5]